Bản Phố
Vị trí: Bản Phố là một xã vùng cao thuộc huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Đặc điểm: Đến đây, du khách vừa được thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng vùng cao vừa được thưởng thức đặc sản Bản Phố, đặc biệt là rượu ngô Bản Phố.
Từ thị trấn Bắc Hà, rong ruổi trên con đường quanh co, uốn lượn bám vào sườn núi Hoàng Liên Sơn khoảng 4km, phía dưới là thung lũng xanh mướt một màu của ngô và lúa non…; hai bên đường là những cánh rừng mận Tam hoa ngút tầm mắt đang mùa trĩu quả, du khách sẽ tới xã Bản Phố.
Nhìn từ xa, Bản Phố giống như một bức tranh đẹp và sinh động: Hòa lẫn trong màu xanh bạt ngàn của núi rừng trùng điệp, là những nếp nhà của người Mông giống như những tổ chim bám vào sườn núi.
Bản Phố là địa danh quần cư lâu đời của người Mông, có khoảng hơn 500 hộ gia đình với trên 3.000 nhân khẩu. Theo tiếng Quan Hoả – thứ ngôn ngữ chung của một số dân tộc sống trên dải biên cương phía bắc, từ “Phố” dùng để chỉ nơi tập trung dân cư và có hàng quán.
Người Mông Bản Phố sống ở nhà trệt với cấu trúc theo lối xứ lạnh: Họ làm nhà ở trên cao, bám vào vách đá hay sườn núi, nền nhà của họ thường thấp hơn và kín gió, nguyên liệu làm nhà chủ yếu là bằng gỗ; trong nhà luôn có lò sưởi, có thịt sấy ăn quanh năm, có món “mèn mén”, món “thắng cố” độc đáo.
Người Mông thích sử dụng nhiều loại nhạc cụ, đặc trưng nhất là khèn và đàn môi. Vào những dịp Tết hay những ngày chợ phiên, các nam thanh nữ tú người Mông thường thổi khèn gọi bạn và cất lên những câu hát giao duyên.
Trang phục của người Mông ở Bản Phố khá đặc sắc. Họ may bằng vải lanh tự dệt. Nữ mặc váy xoè rộng, áo xẻ ngực với những họa tiết hoa văn sinh động, tạp dề trước và sau, xà cạp quấn chân. Nam mặc quần, áo chủ yếu là màu đen.
Người Mông sống nhờ vào nghề làm nương rẫy du canh, trồng lúa nước trên những ô ruộng bậc thang, trồng lanh lấy sợi dệt vải và trồng cây dược liệu. Bên cạnh đó, người Mông Bản Phố còn sở hữu một loại sản phẩm thủ công đặc trưng, hiện nay đã nổi danh trong cả nước và thu hút nhiều du khách quốc tế, đó là sản phẩm rượu ngô Bản Phố.
Bước vào ngôi nhà của người Mông Bản Phố, du khách sẽ thấy ngay một gian bếp nằm ở đầu hồi; đây chính là nơi nấu rượu. Hương ngô, hương rượu thoang thoảng khắp không gian vùng cao, nhất là vào dịp chợ phiên Bắc Hà, Cán Cấu và những ngày giáp Tết.
Về phương thức, rượu Bản Phố không cần làm cầu kỳ, phức tạp; tuy nhiên, để có hương vị mang đặc trưng riêng của vùng Bản Phố, loại rượu này cần phải có bí quyết gia truyền mà nếu có đem công thức đến nơi khác làm cũng không tạo được hương vị như ở nơi đây
Theo người dân Bản Phố cho biết, để có được rượu ngô Bản Phố; trước tiên, ngô phải được trồng và phát triển nhờ vào khí hậu nơi đây. Khi đến giai đoạn làm rượu, người ta phải lấy nước từ dòng suối Hang Dể, phải ngâm ngô trong sương lạnh nơi Bản Phố và phải dùng hạt Hồng my – loại hạt có hình thù giống hạt kê và có mùi thơm đặc biệt, được trồng xen kẽ trên các nương ngô, dùng để làm men rượu.
Dụng cụ dùng để nấu rượu là một chảo gang lớn, được quây xung quanh bằng chiếc thùng gỗ đóng đai rất kín, đặt trên lò đất đắp rộng chừng 3m² và lửa phải cháy liên tục, như vậy mới đảm bảo được chất lượng của rượu. Cứ 3kg ngô là làm được 1 lít rượu khoảng 40-45º, có nhà làm kỹ được loại rượu 60º, mỗi nhà mỗi phiên chợ thường nấu khoảng 20 lít
Điểm đặc biệt khi đến Bản Phố, khi du khách bước vào bếp của người Mông trong lúc họ đang nấu rượu, du khách sẽ thấy ở trên trần bếp treo lủng lẳng nhiều xâu thịt đủ loại: trâu, bò, dê, lợn… Đây là thứ thịt xông khói rượu có hương vị cực kỳ đặc biệt mà có lẽ không đâu có được. Không những thế, chủ nhà còn rất ân cần mời du khách thưởng thức ly rượu vừa mới cất xong vẫn còn hơi ấm với đồ nhằm là đĩa thịt hun khói rượu.
Cùng với mận Tam Hoa, lê, đào, rượu ngô Bản Phố đã theo chân du khách khắp mọi miền đất nước, dù chỉ uống một lần hẳn nhớ mãi không quên.