Giữ điệu múa cổ truyền dân tộc Xá Phó

Posted in Giá trị văn hóa

Giữ điệu múa cổ truyền dân tộc Xá Phó

Từ trung tâm xã Gia Phú (Bảo Thắng), ngược dòng suối Bo, đến thôn An Thành. Nơi đây được mệnh danh là vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc Xa Phó của huyện Bảo Thắng. Ngày ngày, vẫn có những người tâm huyết giữ gìn và truyền dạy các điệu múa, bài hát ru của dân tộc mình cho thế hệ mai sau.

Bà Lù Thị Kha, sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất giàu truyền thống dân tộc Xa Phó. Ngay từ nhỏ, khi còn là cô bé theo mẹ lên nương, theo anh chị đi chơi hội làng, được xem người dân trong làng múa khăn, múa xe chỉ, múa hái lượm… thiếu nữ Lù Thị Kha bị cuốn hút. Những vũ điệu uyển chuyển, diễn tả khung cảnh sinh hoạt trong đời sống cộng đồng cứ thế in sâu trong bà. Mỗi lần trong thôn tổ chức hội hè, bà thường đi theo “học lỏm”. Nhờ sự thông minh, nên chẳng mấy chốc, bà thuộc hết các động tác cơ bản, biết kết hợp sự uyển chuyển, nhịp nhàng của đôi chân với sự khéo léo, mềm mại của đôi tay. Từ đó, trong các chương trình văn nghệ “cây nhà, lá vườn”, bà đều tham gia nhiệt tình, những tiết mục do bà biểu diễn luôn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả.

Giữ điệu múa cổ truyền dân tộc Xá Phó

Giữ điệu múa cổ truyền dân tộc Xá Phó

Bà Lù Thị Kha không chỉ múa đẹp mà hát cũng rất hay. Do yêu thích nghệ thuật truyền thống, nên khi đến tuổi xây dựng gia đình, bà đã tìm cho mình người bạn đời cùng chung sở thích và được mẹ chồng dạy thêm cho một số vũ điệu múa, các bài hát ru cổ mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Năm 1993, lần đầu tiên tham gia trên sân khấu lớn, bà Lù Thị Kha đạt giải nhất Liên hoan tiếng hát ru tỉnh Lào Cai lần thứ nhất. Năm 1994, tại liên hoan sơn ca toàn quốc bà đã giành Huy chương Vàng cho tiết mục hát ru lời cổ… Liên tục các năm tiếp theo, cứ có hội thi, hội diễn của tỉnh, của khu vực và Trung ương, ngành văn hóa đều chọn tiết mục của bà tham gia và lần nào cũng đạt thành tích xuất sắc, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả cả nước.
Đối với bà, giải thưởng là vinh dự, nhưng quý hơn, qua hội thi, hội diễn, bà được góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ sau. Gần 30 năm, với niềm say mê nghệ thuật truyền thống, bà tích lũy được nhiều kinh nghiệm và không ngần ngại truyền dạy cho lớp thanh niên trong thôn. Đội văn nghệ của thôn do bà Lù Thị Kha sáng lập có 10 chị, em. Dù bận mùa vụ, nhưng cứ rảnh rỗi, chị em lại có mặt tại nhà bà Kha để tập những điệu múa truyền thống, học những bài hát ru cổ và những bài hát mới do bà đặt lời. Nhiều cháu học sinh lúc đầu còn e ngại, được bà động viên, chỉ bảo từng động tác cơ bản trong từng điệu múa, lời ca trong bài hát ru cổ, đến nay các cháu đã là những thành viên chủ lực của đội văn nghệ thôn An Thành, thường xuyên tham gia các hội thi do huyện, tỉnh tổ chức.
Giữ điệu múa cổ truyền dân tộc Xá Phó

Giữ điệu múa cổ truyền dân tộc Xá Phó

Từ nhiều đời nay, trong cuộc sống sinh hoạt của người Xa Phó, những điệu múa, bài hát ru vẫn làm say đắm người xem. Động tác múa vui trong ngày hội mừng cơm mới, hội hoa chuối, hội mừng mưa hay các điệu múa diễn tả khung cảnh ngày hội ở bản làng, đêm trăng bên bờ suối, ngày hội văn hóa các dân tộc đều là điểm nhấn trong các cuộc vui.
Theo các nhà chuyên môn, múa Xa Phó là nghệ thuật múa dân gian truyền thống độc đáo, mang nhiều yếu tố hoang dã, không bị pha tạp yếu tố văn hóa của các dân tộc khác. Các điệu múa được lưu truyền từ đời này sang đời khác thông qua phương pháp truyền dạy. Mỗi thế hệ tiếp nhận đều trân trọng, giữ gìn nghiêm túc phong cách thể hiện. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính cộng đồng cao, nhiều màu sắc. Mỗi động tác múa đều có một chủ đề nhất định, có thể là diễn tả những công việc lao động sản xuất hay ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa… được chắt lọc từ chính cuộc sống tình yêu, lao động, sinh hoạt của đồng bào. Chính vì lẽ đó, múa Xa Phó ngày càng có sức sống, tồn tại mãi mãi.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, sự bùng nổ của các loại thông tin đã ảnh hưởng không nhỏ tời những vũ điệu múa, bài hát ru truyền thống các dân tộc. Yếu tố hiện đại đang làm mai một dần những giai điệu mượt mà, đằm thắm, gần gũi mà những người như bà Kha đang miệt mài lưu giữ. Mong muốn lớn nhất của bà Kha và những người yêu thích vũ điệu Xa Phó là chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần quan tâm, động viên, hỗ trợ để đội văn nghệ thôn An Thành có thể duy trì, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, gìn giữ cho muôn đời sau.

Xem thêm

Travel Sapa