Thung lũng Mường Hoa Sapa

Posted in Địa danh

Thung lũng Mường Hoa Sapa
Dòng suối Hoa, chảy dọc thung lũng Mường Hoa, kéo dài qua suốt các xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào… Chính tại nơi này, rải dọc qua các dãy núi là một khu chạm khắc đá kỳ lạ. Trải dài trên chiều dài hơn 4km, rộng 2 km, với ít nhất 159 hòn đá, chứa nhiều hình họa bí ẩn, bãi đá từng là điểm tập trung nghiên cứu của nhiều nhà khoa học Việt Nam, Nga, Pháp Australia…
Cả quần thể bãi đá cổ có những hòn đá với hình khắc đẹp, tập trung ở Bản Pho. Với những hòn đá lớn, trên bề mặt có khắc những hình khác nhau. Đặc biệt là các dạng hình người ở nhiều tư thế: hình người dang tay, đầu tròn tỏa ánh hào quang; có hình người nắm tay nhau; có hình người lộn ngược; có hình những người cặp đôi với bộ phận sinh dục nối liền nhau như biểu hiện của tín ngường thờ sinh thực khí trên các hình vẽ của trống đồng Đông Sơn.
Thung lũng Mường Hoa Sapa

Thung lũng Mường Hoa Sapa

Khảo sát kỹ, ở đây có tới 11 mô-típ hình người kỳ lạ. Hầu hết các nhà khoa học đều đánh giá đây là một di sản lớn của loài người. Chúng không chỉ mang các giá trị về mặt mỹ thuật mà nó còn có ý nghĩa về mặt tâm linh, như một bức thông điệp bí ẩn mà tổ tiên gửi lại cho con cháu mai sau.
GS Lê Trọng Khánh, một chuyên gia về “Chữ viết người Việt cổ” đã đưa ra những hướng giải mã khác nhau về bãi đá cổ Sa Pa, rồi khẳng định: “Tổng thể các hình khắc trên đá ở Sa Pa là một bộ sách khổng lồ được khắc bằng văn tự đồ họa cổ”. Còn GS Diệp Đình Hoa và một số đồng nghiệp của mình thì chia các hình khắc trên đá này ra thành 6 loại cơ bản và đi tới kết luận: “Các hình vẽ này thuộc nhiều thời đại khác nhau. Nhưng nếu nhìn kỹ các biểu tượng mặt trời, và đặc biệt là hình nhà sàn mái cong kiểu hình thuyền úp ngược. Ở đây, người ta nhận thấy có rất nhiều nét tương đồng với văn hóa Đông Sơn, có niên đại cách đây từ 2.300 đến 3.000 năm. Vậy, chủ nhân của lớp văn hóa cổ này có phải là người Việt cổ từ thời Đông Sơn?”
Thung lũng Mường Hoa Sapa

Thung lũng Mường Hoa Sapa

Theo ý kiến tâm huyết của một lãnh đạo văn hóa tỉnh Lào Cai: Những hình vẽ bí ẩn ở bãi đá cổ Sa Pa có thể là của nhiều tộc người sống ở nhiều thời kỳ khác nhau. Họ vẽ những hình hoặc là thô sơ, hoặc là tinh xảo đó lên đá để thể hiện tín ngưỡng âm dương, đó là dấu ấn nhân sinh quan của nhiều người ở nhiều lớp văn hóa khác nhau. Họ có thể hoặc là người Dao, hoặc là người Mông… Mà thực tế đã chứng minh điều này.
Trong Hội nghị Thông báo Khảo cổ học năm 2000 ở Hà Nội, những người từng lăn lộn ở Phong Thổ- Lai Châu, Mèo Vạc – Hà Giang đã đưa ra những thông tin làm sửng sốt về bãi đá cổ Sa Pa: Đã tìm ra những bãi đá tương tự ở Phong Thổ và Mèo Vạc. Nếu điều này được nghiên cứu trên một diện rộng và bao quát hơn, thiết nghĩ, những thông tin trên sẽ là chiếc chìa khóa mở cửa kho bí ẩn ở bãi đá cổ Sa Pa.

Xem thêm

Travel Sapa